15/02/2022
Tổng hợp: ThS. Nguyễn Lê Thy Thương, Phòng NC Lịch sử-Văn hóa và Chính trị, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (tổng hợp từ nhiều nguồn)
Giống như trong Hindu giáo, Nghiệp (Karma) trong Phật giáo có nghĩa là hành động, theo đó bất cứ điều gì chúng ta làm, nói hay nghĩ đều là nghiệp. Phật giáo dạy rằng không chỉ có Nghiệp mà còn có những tác động khác giúp định hình nên cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả những tác động tự nhiên cũng giống như sự thay đổi của các mùa trong năm vậy. Nếu một thảm họa thiên nhiên xảy ra và cả một cộng đồng phải hứng chịu, chúng ta không nên coi đây là một hình phạt, hay nghiệp của cả cộng đồng đó mà chỉ nên nhìn nhận đó là một sự kiện đáng tiếc mà thôi. Trong kinh Anguttara Nikaya Nibbedhika, Đức Phật đã dạy rằng: Này các Tỳ kheo, ý định (cetana) là nghiệp. Người có ý chí hành động thông qua thân, khẩu và ý.
Bất cứ việc gì chúng ta làm đều xuất phát từ một ý định nào đó trong tâm trí. Do đó bản chất (chứ không phải là hình thức bên ngoài của hành động) quyết định hiệu quả của hành động đó. Nếu một người luôn tỏ ra mộ đạo và đức hạnh nhưng vẫn làm một điều gì đó xuất phát từ lòng tham, sự tức giận hoặc hận thù và che đậy bằng một ý định tốt đẹp, thì kết quả của những hành động đó sẽ là bằng chứng cho ý định ban đầu của họ và là một nguyên nhân cho những bất hạnh xảy đến trong tương lai. Đức Phật đã giảng giải về những việc thiện (kusala-kamma) - dẫn đến hạnh phúc, và những việc bất thiện (akusala- kamma) - dẫn đến bất hạnh.
Đối với Phật tử, nghiệp báo có những tác động ngoài cuộc sống hiện tại này. Những hành động xấu trong kiếp trước có thể đi theo một người vào kiếp sau và gây ra những ảnh hưởng xấu và ngược lại. Ngay cả một Đấng Giác ngộ cũng không được miễn trừ khỏi những ảnh hưởng của nghiệp trong quá khứ. Từng có câu chuyện kể rằng một người anh họ của Đức Phật đã cố giết chết Ngài bằng cách ném một tảng đá khiến cho chân của Đức Phật đã bị thương. Ngài giải thích rằng đây là quả báo vì Ngài đã cố gắng giết chết anh của mình trong kiếp trước.
Trong Phật giáo, khái niệm nghiệp về cơ bản liên quan đến sự đau khổ và gắn với ý niệm về niết bàn hay sự chấm dứt đau khổ thông qua giải thoát. Trong Kinh Majjima Nikaya, Đức Phật dạy rằng:
Khi chúng ta trải qua bất kỳ cảm giác (vedana) nào, dù là dễ chịu, khó chịu hay trung lập, chúng ta đều chấp nhận và giữ mãi cảm giác đó trong lòng. Dục vọng bắt nguồn từ khi đó. Dục vọng bám víu vào sự tồn tại (upadana); Nghiệp (kamma-bhava) phụ thuộc vào việc bám víu vào sự tồn tại đó, còn sự tái sinh phụ thuộc vào nghiệp; và sự thối rữa hay chết chóc, đau buồn, tuyệt vọng... thì phụ thuộc vào sự tái sinh. Từ đó sinh ra toàn bộ đau khổ[1].
Do đó, Nghiệp chính là sự thuật lại một cách tường tận nhất về cách thức tổ chức hay sắp đặt của mọi sự tồn tại trên thế gian này. Theo nghĩa này, nghiệp nguyên thủy là khách quan và không phân biệt giàu nghèo, đẹp xấu, khỏe mạnh hay bệnh tật.
Nghiệp liên tục chín muồi, nhưng nó cũng liên tục được tạo ra bởi những việc chúng ta làm trong hiện tại. Vì vậy, chúng ta có thể tự tạo ra nghiệp của mình trong tương lai. Người Phật tử cố gắng trau dồi nghiệp lành và tránh điều xấu. Tuy nhiên, mục đích của Phật giáo là thoát khỏi vòng tái sinh hoàn toàn, không chỉ đơn giản là đạt được nghiệp tốt để được sinh ra trong một hoàn cảnh tốt hơn. Những trạng thái này, mặc dù thích hợp với cuộc sống con người, nhưng lại vô thường, bởi vì ngay cả các vị thần cuối cùng cũng chết.
Khái niệm về Nghiệp trong Phật giáo ngụ ý rằng một người vốn dĩ phải chịu trách nhiệm về mọi thứ đang xảy ra với mình, việc chúng ta trải qua hạnh phúc hay đau khổ đều phụ thuộc vào hành động của chính bản thân mình. Nghiệp bao gồm tất cả mọi hành động của chúng ta, bao gồm cả những hành động không được ai biết tới. Cho nên ngay cả khi chúng ta chỉ nghĩ xấu về người khác thì chúng ta cũng đón nhận những hậu quả nhất định.
Trong Phật giáo, mặc dù quá khứ có ảnh hưởng nhất định đến hiện tại, nhưng hiện tại cũng được định hình bởi chính những hành động đang diễn ra. Tỳ Kheo Thanissaro đã giải thích lý thuyết về nghiệp trong Phật giáo theo cách này:
…thay vì đề cao sự bất lực và cam chịu, quan niệm về nghiệp của Phật giáo thời kỳ đầu tập trung vào khả năng giải thoát của những gì tâm trí đang làm trong mỗi khoảnh khắc. Việc chúng ta là ai hay đến từ đâu không quan trọng bằng động cơ thực hiện mỗi hành động của chúng ta ngay lúc này. Mặc dù quá khứ có thể giải thích cho nhiều sự bất bình đẳng mà chúng ta thấy trong cuộc sống nhưng thước đo của chúng ta với tư cách là con người không phải là sự điều khiển mà chúng ta buộc phải chấp nhận, vì sự điều khiển đó có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chúng ta tự xác định giá trị của mình bằng cách tự kiểm soát bản thân[2].
Không nên nhầm lẫn thuyết nghiệp báo với cái gọi là 'công bằng đạo đức' hay 'khen thưởng và trừng phạt'. Ý tưởng về công bằng đạo đức, hay thưởng phạt, nảy sinh từ quan niệm rằng có một đấng tối cao đang phán xét con người. Đấng tối cao đó tạo ra luật lệ và Ngài quyết định điều gì là đúng,điều gì là sai. Khái niệm “công lý” là khái niệm mơ hồ và nguy hiểm có thể bị lợi dụng để gây hại nhiều hơn là đem đến lợi ích. Thuyết nghiệp là thuyết về nhân quả, hành động và phản ứng. Đó là một quy luật tự nhiên, không liên quan gì đến ý tưởng về công lý, phần thưởng hay hình phạt.
Có một số ý tưởng chống lại quan điểm rằng một con người có thể thay đổi để tốt hơn bất kể quá khứ của họ như thế nào, và chúng được coi là "tà kiến" trong Phật giáo:
(i) Purbbekatahetuvada (thuyết tiền định): Niềm tin rằng tất cả hạnh phúc và đau khổ, bao gồm tất cả hạnh phúc và đau khổ trong tương lai, đều phát sinh từ nghiệp trước và con người không thể thực hiện hành vi nào ảnh hưởng đến kết quả trong tương lai (thuyết xác định hành động trong quá khứ).
(ii) Issaranimmanahetuvada (thuyết định mệnh hữu thần): Niềm tin rằng tất cả hạnh phúc và đau khổ đều do chỉ thị của Đấng tối cao.
(iii) Ahetu-appaccaya-vaada (thuyết ngẫu nhiên): Niềm tin rằng tất cả hạnh phúc và đau khổ là ngẫu nhiên, không có nguyên nhân.
Trong Phật giáo, nghiệp không phải là thuyết tiền định, thuyết định mệnh hay thuyết ngẫu nhiên. Cả ba thuyết trên đều dẫn đến việc không chịu nỗ lực để thay đổi số phận.
Nghiệp cũng không phải là một ngoại lực. Nó không phải là một hệ thống trừng phạt hay khen thưởng do một vị thần đưa ra mà là một quy luật tự nhiên. Cuối cùng, chúng ta mới là người kiểm soát số phận của chính mình nhưng hầu hết chúng ta lại không biết điều này và vì thế chịu đựng sự đau khổ. Phật giáo hướng chúng ta đến việc kiểm soát một cách có ý thức các hành vi của mình.
Đức Phật đã phân loại ba loại Nghiệp: (i) Khẩu nghiệp (ii) Thân nghiệp, và (iii) Ý nghiệp. Trong ba nghiệp, nghiệp của tâm (ý nghiệp) là nghiệp quan trọng nhất vì nó chỉ hướng cho tâm, xác định xem chúng ta đức hạnh, vô đạo đức hay trung lập.
Ngoài ra, cũng nên nhớ rằng, có nhiều loại phẩm chất đạo đức khác nhau. Hầu hết chúng ta đều có sự hiểu biết trực quan giúp phân biệt được điều tốt và điều xấu, tuy nhiên sự hiểu biết thường phụ thuộc vào trạng thái phát triển tinh thần của người đó. Một người ở trạng thái phát triển tinh thần cao có thể phân biệt rõ ràng rằng một hành động là đúng và có đạo đức hay không, trong khi những người còn “u mê” sẽ gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể phân biệt được.
Chức năng của nghiệp và nhân quả được giải thích bằng nguyên lý Duyên khởi (pratityasamuppada). Đây là một trong những lý thuyết vi diệu nhất giúp cho việc truyền giảng giáo lý của Phật giáo trở nên khoa học và chặt chẽ. Duyên khởi bao gồm mười hai liên kết (hay còn gọi là thập nhị nhân duyên), đó là:
avijja vô minh
sanskara hành
vigyana thức
nama-rupa danh sắc
sadayatana lục nhập
sparsa xúc
vedana thọ
trsna ái
upadana thủ
bhava hữu
jati sinh
jara, byadhi lão tử
Hai liên kết đầu tiên, vô minh (avijja) và hành (samskara), liên quan đến cách những hành động trong quá của một người ảnh hưởng đến hoàn cảnh hiện tại của người đó. Sự vô minh liên quan đến những điều xấu mà người này mắc phải trong quá khứ. Hành đại diện cho kết quả do những hành động tốt và xấu của một người trong quá khứ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống hiện tại của người đó. Thức (vigyana), đại diện cho ý thức đi vào cơ thể người mẹ khi đứa trẻ bắt đầu được hình thành. Các uẩn khác cũng hiện diện trong các hình thức rất vi tế vào lúc này, nhưng vì thức là sắc uẩn chi phối, nên nó được dùng để biểu thị giai đoạn khởi đầu trong cuộc sống của một con người. Liên kết thứ tư, danh sắc (namarupa), tương ứng với việc thai nhi đang lớn lên trong tử cung của người mẹ và sự phát triển về thể chất và tinh thần của thai nhi. Sự hoàn thiện các cơ quan giác quan của thai nhi tương ứng với liên kết thứ năm, lục nhập (sadayatana). Đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến khi một hoặc hai tuổi được coi là liên kết thứ sáu, xúc (sparsa) – mối liên kết giữa các cơ quan cảm giác và các sự vật. Lúc này, tuy các giác quan, đối tượng và ý thức đều có mặt, nhưng trẻ sơ sinh vẫn chưa thể phân biệt chính xác giữa đau khổ và khoái cảm. Giai đoạn mà một đứa trẻ có thể phân biệt giữa đau khổ và khoái lạc nhưng chưa có bất kỳ ham muốn tình dục nào tương ứng với liên kết thứ bảy, thọ (vedana). Sự xuất hiện của sắc dục tương ứng với liên kết thứ tám, ái (trsna). Phấn đấu cho danh vọng và tài sản được thể hiện bằng liên kết thứ chín, thủ (upadana). Khi đó con người sẽ tạo nên nghiệp và gặt hái kết quả trong tương lai. Trạng thái này tương ứng với liên kết thứ mười, hữu (bhava).
Sự ra đời trong tương lai của một con người được xác định bởi ba yếu tố trong hiện tại. Sự ra đời ở kiếp sau được biểu thị bằng liên kết thứ mười một, sinh (jati). Như vậy, sinh tương ứng với thức tại thời điểm thụ thai trong đời sống hiện tại. Kết quả của sự tái sinh trong tương lai là tuổi già và cái chết (jaramarana), liên kết thứ mười hai. Nó tương ứng với các liên kết của danh sắc thông qua cảm giác trong cuộc sống hiện tại.
Như vậy, mười hai liên kết được trải đều trong ba kiếp sống, hai liên kết liên quan đến “nhân” xảy ra trong quá khứ, năm liên kết liên quan đến “quả” của hiện tại, ba liên kết nói về “nhân” của hiện tại và hai liên kết liên quan đến “quả” trong tương lai. Vòng tuần hoàn của nhân quả được lặp lại hai lần. Nói cách khác, duyên khởi là hai chu kỳ của nguyên nhân và kết quả trải trong ba khoảng thời gian.[3]
Vô minh, ái và thủ đều là phiền não (klesa). Nghiệp phát sinh từ những phiền não này được thể hiện bằng hành và hữu. Các hiện tượng phát sinh từ nghiệp được đại diện bởi các liên kết còn lại, từ thức đến thọ và sinh, lão, tử. Do đó các hiện tượng phát sinh từ nghiệp. Về sau, những hiện tượng tương tự đó làm cơ sở cho nghiệp bổ sung. Do đó, mười hai liên kết của Duyên khởi có thể được mô tả như những chu kỳ vô tận của phiền não, nghiệp và hiện tượng. Hơn nữa, vì các hiện tượng được đặc trưng bởi đau khổ, các chu kỳ này cũng có thể được mô tả là ô nhiễm, nghiệp và đau khổ. Theo cách này, mười hai liên kết có thể được giải thích như một minh họa của nhân quả nghiệp báo.
Có một nguyên lý riêng thường đi cùng với nghiệp, gọi là Vipaka, nghĩa là Kết quả (nhiều người thường gọi là Quả). Bản thân kết quả cũng có thể ảnh hưởng đến hành động, theo cách này, chuỗi nhân quả (Karma - Vipaka) cứ liên tục được tạo ra không ngừng nghỉ,đảm bảo rằng chúng sinh vẫn ở trong vòng luân hồi vĩnh viễn. Hành động nảy sinh từ ý chí, ý định hay suy nghĩ, và bản chất của hành động đó có thể tốt hay xấu, trung lập, hoặc thậm chí vừa tốt vừa xấu.
Trong Phật giáo, nghiệp được cho là một hạt giống. Một hành động (nghiệp) dẫn đến hình thức 'chín' (Vipaka), và quả ('Phal') là thuộc tính của một hạt giống. Sự chuyển động của chúng sinh, giữa sinh ra và tái sinh, không phải là một quá trình lộn xộn mà được sắp xếp bởi quy luật tự nhiên. Tất cả chúng sinh được sinh ra phù hợp với nghiệp trong quá khứ của mình: Các hành động bạo lực và thù hận có xu hướng dẫn đến tái sinh trong địa ngục, các hành động u mê sẽ dẫn đến tái sinh làm động vật, và các hành động tham lam có xu hướng tái sinh làm ma quỷ. Hành động của một người (nghiệp) nhào nặn ý thức của họ để khi chết, hình thức bên ngoài của họ có xu hướng phù hợp với loại bản chất bên trong.
Giữa hành động và kết quả luôn có mối tương quan. Nếu hành động xấu của một người không nghiêm trọng đến mức dẫn đến việc họ tái sinh trong một hình thức thấp hèn hơn (hạ sinh), thì chúng cũng vẫn ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của họ khi tái sinh. Ví dụ, keo kiệt dẫn đến nghèo đói, làm tổn thương những sinh vật khác dẫn đến bệnh tật triền miên, và tức giận dẫn đến sự xấu xí. Do những hành động trong tiền kiếp mà một số người xấu xí, ốm yếu hoặc kém cỏi. Vì vậy, họ không được đổ lỗi cho số phận hiện tại của mình. Họ nên suy nghĩ và hành động tích cực để gặt hái được kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai.
Những hành động hào phóng, tử tế, nhân từ, giản dị… có xu hướng khiến chúng ta tái sinh làm người. Nếu chúng ta đạt được sự tĩnh lặng trong thiền định chúng ta sẽ tái sinh lên thiên đàng. Tất cả những hành động có chủ đích, dù tốt hay xấu, đều quan trọng, bởi vì chúng để lại dấu vết trong tâm trí chúng ta và tạo nên “quả” trong tương lai.
Chúng ta không nên tạo ra nghiệp xấu, dù là vô tình hay cố ý. Kìm hãm và ngăn chặn nghiệp xấu cũng đồng nghĩa với tạo nên một nghiệp tốt. Nếu một người kiên quyết không nghĩ hay làm điều xấu thì những “quả” của nghiệp xấu sẽ bị pha loãng. Một hành động đẹp sẽ giúp thanh lọc tâm trí và dẫn đến sự may mắn trong tương lai. Một hành động xấu, ngược lại, sẽ dẫn đến những kết quả không tốt đẹp[4].
Chu kỳ tái sinh liên quan đến vô số kiếp sống trong những khoảng thời gian rất dài. Các Phật tử tin rằng mỗi lần tái sinh đều có nguyên nhân từ trước và không có sinh vật nào là ngoại lệ. Một người sống đạo đức chưa chắc đã được tái sinh ngay lập tức trong những điều kiện tốt nhất nếu như trong tiền kiếp những việc ác họ đã làm vẫn chưa bị trả giá, hay khi sắp ra đi họ lại hối tiếc vì đã làm những điều tử tế. Tương tự, một người sống làm nhiều việc xấu nhưng chưa chắc kiếp sau đã sinh ra trong những điều kiện xấu ngay lập tức, không phải là họ sẽ không chịu báo ứng, mà đơn giản là sự báo ứng phù hợp chưa đến mà thôi[5].
Mạng sống của mỗi con người đều vô cùng đáng quý bởi đó là cơ hội kỳ diệu để chúng ta phát triển tâm linh. Do đó chúng ta nên sử dụng sinh mạng của mình một cách khôn ngoan. Sự sống có thể bị cắt đứt bất cứ lúc nào bởi cái chết nên không được hủy hoại nó.
Như vậy, nghiệp là tổ hợp của những mối quan hệ nhân quả, trong đó sự sinh ra và tái sinh của một người đều bị ảnh hưởng bởi nghiệp họ đã tạo ra trong cả quá khứ và hiện tại.
[1] Carus, Paul. (2012). The Four Noble Truths and the Eightfold Path, UK, Jazzybee Verlag.
[2] Thanissaro, Bhikkhu (1974). What the Buddha Taught?, Grove ress: Bankok
[3] Brihadaranyaka Upanishad. Chapter 4, Brahmana 4, Verse 5.
[4] Sharma, Anurag. (2002). Thus Spake Buddha. New Delhi: Diamond Pocket Books Pvt. Ltd.
[5] Sharma, Anurag. (2002). Thus Spake Buddha. New Delhi: Diamond Pocket Books Pvt. Ltd.
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)