02/06/2021
Tổng hợp: ThS. Phạm Thủy Nguyên, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)
Ngoại giao kinh tế được định nghĩa một cách rộng rãi là khía cạnh ngoại giao tập trung vào các mối quan hệ kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bên cạnh các chương trình hỗ trợ nước ngoài, ngoại giao kinh tế có nghĩa là thúc đẩy lợi ích thương mại, đầu tư và công nghệ của quốc gia thông qua các cuộc đàm phán song phương tích cực và thúc đẩy các lợi ích với các tổ chức đa phương, như Tổ chức Thương mại Thế giới và Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD)
Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với vấn đề ngoại giao kinh tế xuất phát từ quá khứ của một nước thuộc địa và mong muốn hỗ trợ các nước đang phát triển khác trong quá trình phát triển sau khi các nước này giành được độc lập. Ấn Độ tham gia Kế hoạch Colombo vào năm 1950, cung cấp học bổng tại các cơ sở đào tạo của Ấn Độ[1]. Năm 1960, Ấn Độ trở thành một trong những thành viên sáng lập của Chương trình Hỗ trợ Châu Phi thuộc Khối thịnh vượng chung đặc biệt. Năm 1966, Ấn Độ đóng góp học bổng lớn thứ năm cho các nước đang phát triển: Anh, Canada, Australia, Úc và New Zealand[2]. Trọng tâm trong các nỗ lực hợp tác phát triển của Ấn Độ là phát triển kỹ năng và nâng cao năng lực nguồn nhân lực. Tháng 9/1964 Ấn Độ thành lập Chương trình Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC).
Ấn Độ đã đóng góp vào việc phát triển năng lực chuyên môn ở các quốc gia trên khắp châu Phi, Nam Á và Đông Nam Á. Trọng tâm chủ yếu là thành lập các khu công nghiệp và trường nông nghiệp, cung cấp các chuyên gia kỹ thuật cho một loạt các dự án và đào tạo một số lượng lớn công chức, nhân viên kỹ thuật, bác sĩ, y tá, kỹ sư và nhà khoa học trong chương trình ITEC[3]. Với trọng tâm này, cách tiếp cận của Ấn Độ đối với ngoại giao kinh tế đã mang tính khác biệt so với đặc điểm của “chủ nghĩa tiền tệ” của hầu hết các quốc gia tài trợ phương Tây, vốn tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ ngân sách đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt. Ấn Độ áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa cấu trúc, cho rằng tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển bị kìm hãm bởi sự thiếu hụt về nguồn cung, thay vì bất ổn kinh tế vĩ mô[4].
Năm 2005, Ấn Độ bổ sung hạn mức tín dụng vào khuôn khổ hợp tác phát triển, đối tác đầu tiên là châu Phi với 500 triệu USD[5] với lãi suất mềm được hỗ trợ bởi bảo lãnh có chủ quyền, các hạn mức tín dụng đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, thủy lợi và mạng lưới điện ở một số quốc gia châu Phi. Chính sách ngoại giao kinh tế của Ấn Độ cũng mở rộng sang khu vực láng giềng, với các quỹ tín dụng lớn cho Bangladesh và Sri Lanka. Vào cuối năm 2019, Ấn Độ đã cam kết trị giá 25,46 tỷ USD trong quỹ tín dụng phát triển CNTT một loạt quốc gia[6] và cũng bắt đầu cung cấp “Tín dụng người mua”[7] với trị giá 2,67 tỷ USD để khuyến khích các quốc gia này mua các sản phẩm của Ấn Độ.
Trong những năm qua, mô hình hợp tác phát triển của Ấn Độ thể hiện một số đặc điểm như:
Đồng thời, dưới sự điều hành của Thủ tướng Modi, Ấn Độ bắt đầu triển khai các dự án kết nối hạ tầng đầy tham vọng nhưng từng bị trì hoãn trong khu vực láng giềng, như các mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt và hằng hải cùng với các đường ống dẫn dầu và lưới điện. Ấn Độ đã sử dụng công nghệ vệ tinh để cung cấp các dịch vụ giáo dục và y tế thông qua các chương trình e-VidyaBharti và e-ArogyaBharti tại châu Phi và mở rộng chương trình ITEC, cung cấp 12.000 cơ hội 100% học bổng đào tạo trong các khóa học về an ninh mạng, biến đổi khí hậu, khởi nghiệp và giáo dục[10].
Bên cạnh đó, trong đại dịch COVID 19, Ấn Độ sử dụng chính sách ngoại giao y tế, hỗ trợ các nước đối tác. Các đội y tế đã được phái đến Maldives, Nepal và Kuwait, và các chuyến hàng khẩn cấp gồm các loại thuốc như paracetamol và hydroxychloroquine đã được gửi đến hơn 90 quốc gia. Ấn Độ còn thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ thông qua sáng kiến 'Vắc xin Maitri của Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ấn Độ cung cấp vắc xin COVID-19 trên cơ sở viện trợ và thương mại song phương, và đa phương thông qua tài trợ của Chương trình Covax.
Bên cạnh thúc đẩy ngoại giao kinh tế thương mại đa phương, Chính phủ Ấn Độ mở rộng các chương trình viện trợ dưới sự quản lý của Cơ quan Đối tác Phát triển thuộc Bộ Ngoại giao. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ đã tích cực tham gia tổ chức các triển lãm thương mại và các sự kiện Sản xuất tại Ấn Độ "Make in India"; theo đuổi tiếp cận thị trường và chống lại các hàng rào phi thuế quan; thu hút các công ty đa quốc gia, các công ty cổ phần tư nhân và các quỹ có chủ quyền đầu tư vào Ấn Độ; và theo đuổi các thỏa thuận về dầu mỏ và an ninh năng lượng. Việc Ấn Độ tham gia vào các thể chế đa phương đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng của Ấn Độ rằng nước này tham gia vào khu vực một cách tích cực thay vì thụ động trước các quy tắc do những người khác đóng khung.
Tuy nhiên, Ấn Độ hiện phải đương đầu với những thách thức mới đối với chính sách ngoại giao kinh tế của mình. Trên toàn cầu, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng và ưu tiên đối với các thỏa thuận thương mại song phương hơn đa phương. Tâm lý chống nhập cư đang gia tăng ở các nước phương Tây đặt ra những rào cản mới đối với quá trình dịch chuyển lao động. Với sự phát triển của công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và 5G là những nhân tố mới nổi của tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ sẽ phải tái hoạch định chính sách ngoại giao kinh tế, thông qua việc thành lập Bộ phận NEST (Công nghệ mới, mới nổi và chiến lược) mới trong Bộ ngoại giao Ấn Độ. Ấn Độ phải xây dựng các luật và thể chế trong nước rõ ràng và minh bạch để tạo niềm tin rằng nước này là một điểm đến minh bạch. Nếu biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề tồn tại và các đại dịch như COVID-19 mang lại khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, Ấn Độ cần dẫn đầu các cuộc đối thoại về các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng vững vàng, bảo vệ sức khỏe toàn cầu. Sáng kiến của Ấn Độ kêu gọi các quốc gia chuyển đổi sang năng lượng mặt trời là một minh chứng, nước này không chỉ dẫn đầu trong việc thành lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế, mà hiện nay còn cung cấp hạn mức tín dụng trị giá 2 tỷ USD[11] để tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời ở những quốc gia đang phát triển. Quan điểm của Ấn Độ về những vấn đề này và các lĩnh vực ngoại giao kinh tế mới được các đối tác trong nhóm quốc gia đang phát triển và các quốc gia phát triển ủng hộ.
[1] Kumar Tuhin, “India’s Development Cooperation through Capacity Building,” in India’s Approach to Development Cooperation, eds Sachin Chaturvedi and Anthea Mulakala (London: Routledge, 2016), pp. 29-44.
[2] Tuhin, “India’s Development Cooperation through Capacity Building,” pp. 30
[3] Tuhin, “India’s Development Cooperation through Capacity Building,” pp. 31
[4] Saroj Kumar Mohanty, “Shaping India’s Development Cooperation: India’s Mission Approach in a Theoretical Framework,” in India’s Approach to Development Cooperation, eds Sachin Chaturvedi and Anthea Mulakala (London: Routledge, 2016), pp. 1-13.
[5] Persis Taraporevala and Rani D. Mullen, India-Africa Brief: Courting Africa through Economic Diplomacy, New Delhi, Center for Policy Research, 2013
[6] Jayajit Dash., “Exim Bank’s LoC Scheme to See Fresh Commitments Worth $20 Billion by 2025,” Business Standard, 6 March 2020
[7] Tín dụng người mua hay tín dụng xuất khẩu dành cho người mua là thu xếp tài chính mà một ngân hàng hay một cơ quan tài chính của một nước cho một người mua hoặc ngân hàng tại quốc gia nhập khẩu vay trực tiếp để trả cho hàng hoá, dịch vụ ở quốc gia xuất khẩu. Bản chất của tín dụng người mua là chính phủ quốc gia xuất khẩu hỗ trợ doanh nghiệp nước mình bán dịch vụ, hàng hoá tại nước ngoài, thông qua các hình thức hỗ trợ như từ chính phủ thông qua ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) của quốc gia tham gia nhận hỗ trợ, cung cấp các khoản vay ưu đãi; hoặc chính phủ thông qua tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) cung cấp các khoản vay, bảo lãnh, tín dụng, được chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân của nước mình bán hàng hoá tại nước ngoài.
[8] Prabodh Saxena, “India’s credit lines,” in India’s Approach to Development Cooperation, eds Sachin Chaturvedi and Anthea Mulakala (London: Routledge, 2016), pp. 60-78.
[9] Ministry of Electronics and Communication Technology, “International ICT Projects,” Government of India, https://www.meity.gov.in/content/international-ict-projects
[10] Embassy of India in Senegal, “Opportunities for bilateral cooperation in Education sector,” Embassy of India, Dakar, Senegal
[11] Ministry of New and Renewable Energy, Government of India.
Nguồn: https://www.orfonline.org/expert-speak/beyond-government-role-new-actors-india-development-cooperation/
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)