Title: Afghanistan: đất nước – con người
Level: Đề tài KH cấp cơ sở
Code: 25/HĐKH-KHXH
Chairman topics: TS. Lê Thị Hằng Nga
Lead agency: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Implementing agencies: Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Time: 2016 - 2016
Content:
Giới thiệu nội dung
1. Thứ nhất, đề tài đã làm rõ những đặc điểm về vị trí địa lý – điều kiện tự nhiên, dân cư – ngôn ngữ của Afghanistan. Những khó khăn hiện nay của Afghanistan về cơ bản là sản phẩm của lịch sử và vị trí địa lý của Afghanistan. Đây là quốc gia có vị trí địa lý “nửa kín nửa hở” vì nằm sâu trong nội địa không giáp biển, nhưng Afghanistan không hoàn toàn khép kín vì biên giới giáp nhiều nước xung quanh và nằm trên ngã tư đường Đông-Tây. Đó cũng là lý do khiến Afghanistan trở thành một điểm trung chuyển, nơi giao thoa văn hóa giữa các quốc gia ở hai châu lục Á-Âu xuyên suốt từ thời cổ đại cho đến nay. Afghanistan hiện là mái nhà chung của 14 dân tộc Ả Rập, được ví như một tấm thảm Ba Tư nhiều màu sắc. Dân tộc chính của nước này là người Pashtun (42%) và 2 ngôn ngữ chính thức là tiếng Pashto và Dari. Hiện nay, vấn đề hoà giải dân tộc và ngôn ngữ là thách thức không nhỏ đối với các chính quyền ở Afghanistan.
2. Thứ hai, đề tài đã khái quát lịch sử của Afghanistan từ thời cổ đại đến cận hiện đại. Có thể nói lịch sử Afghanistan là lịch sử đắm chìm trong sự xung đột và chiến tranh nhưng cũng là một lịch sử với nhiều trang có sức hấp dẫn kỳ lạ. Là một đất nước lục địa và ở giữa trái tim của châu Á, trong hàng ngàn năm, vị trí địa lý đã quyết định tiến trình lịch sử của đất nước. Tiến trình lịch sử của Afghanistan luôn không bằng phẳng, thường xuyên phải đối diện với những khoảng thời gian dài bất ổn và chia rẽ. Nhiều thế lực chính trị bên ngoài đã xâm chiếm và giành quyền kiểm soát Afghanistan đã luôn là tham vọng của nhiều đế chế ngay từ thời cổ đại. Được xem như là chiến lợi phẩm đáng khao khát của các đế chế, Afghanistan đã trở thành một nhà nước ở vùng đệm (buffer state) quan trọng, sau đó là trận địa của Chiến tranh Lạnh, và cuối cùng là nơi ẩn náu của cái được gọi là tổ chức khủng bố Hồi giáo.
3. Cuối cùng, đề tài phân tích về mảng văn hóa, xã hội, giáo dục Afghanistan. Đề tài đã chỉ ra rằng, Afghanistan có một nền văn hóa phong phú đa dạng có bề dày lịch sử hàng ngàn năm và yếu tố tôn giáo, đặc biệt là Hồi giáo, là thành tố văn hoá chi phối mọi mặt trong đời sống của người dân Afghanistan. Xã hội Afghanistan có sự phân hoá rõ nét, trong đó người Pashtun thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội và người Hazara, Gypsy hình thành những giai cấp thấp hơn. Vấn đề nghèo đói là một trong những vấn đề nan giải trong xã hội Afghanistan hiện nay. Về giáo dục, Afghanistan tồn tại song song hai hệ thống giáo dục, đó là giáo dục tôn giáo và giáo dục thế tục. Trong bối cảnh đó, khả năng khôi phục và thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Afghanistan vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, việc biến những khó khăn thách thức thành cơ hội hợp tác là có thể thực hiện, bởi mặc dù xung đột vẫn còn nhưng chiến tranh đã qua đi. Afghanistan cần xây dựng và thúc đẩy quan hệ với các nước để phát triển. Việt Nam cũng cần khôi phục và thúc đẩy quan hệ với Afghanistan để tận dụng những tiềm năng chưa được khai thác ở đất nước này, đồng thời thực hiện chiến lược ngoại giao đa dạng hoá, đa phương hoá, là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)