20/12/2016
Thực hiện Quyết định số 2251/QĐ-KHXH ngày 02/11/2016 của Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Nghiên cứu viên cao cấp, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, và TS. Lê Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa kiêm Trợ lý đối ngoại, đã thực hiện chuyến công tác tại Kyoto, Nhật Bản từ ngày 14 đến ngày 19 tháng 12 năm 2016.
Trong thời gian công tác tại Nhật Bản, đoàn đã tham gia các hội nghị và hội thảo, bao gồm: Hội nghị về Nghiên cứu Nam Á ở Châu Á – Thái Bình Dương ngày 16 tháng 12 năm 2016, tại Inamori Foundation Hall, Đại học Kyoto. Hội nghị có sự tham gia của TS. Minoru Mio, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Bảo tàng Dân tộc học Quốc gia, Nhật Bản; TS. Lee Eungu, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Hankuk (Hankuk University of Foreign Studies) (Hàn Quốc); TS. Surat Horachaikul, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), PGS. TS. Gyanesh Kudaisya, Chương trình nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore. Tại hội nghị, các đại biểu đã giới thiệu về nghiên cứu Ấn Độ và Nam Á tại đơn vị mình, đặc điểm và những nét riêng của đơn vị cũng như khả năng hợp tác với các đơn vị khác trong lĩnh vực nghiên cứu Ấn Độ và Nam Á. Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS. Ngô Xuân Bình cho biết, nghiên cứu về Ấn Độ và Việt Nam đã được tiến hành từ khá sớm, không lâu sau khi Việt Nam giành được độc lập, từ những năm 1950, tại Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Tuy nhiên, những nghiên cứu này còn bị phân tán, nằm rải rác trong các Viện Nghiên cứu trực thuộc. Từ năm 2000 đến nay, nghiên cứu về Ấn Độ và Nam Á tại Việt Nam đã được tập trung và hệ thống hoá, với sự thành lập của Bộ môn Ấn Độ học tại một số trường đại học. Dấu mốc trong nghiên cứu về Ấn Độ tại Việt Nam là sự kiện Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ký quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á ngày 5/7/2011, trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. PGS. TS. Ngô Xuân Bình cũng khẳng định, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á là cơ quan nghiên cứu đầu ngành về Ấn Độ học tại Việt Nam, là cơ quan duy nhất tại Việt Nam duy trì một số tạp chí hàng tháng chuyên về Ấn Độ và Châu Á.
Trong thời gian tại Nhật Bản, đoàn cũng đã tham dự Hội thảo quốc tế INDAS – Nam Á lần thứ 8 tại Đại học Kyoto về chủ đề “Hướng tới phát triển bền vững ở Ấn Độ và Nam Á”. Hội thảo bao gồm 3 phiên báo cáo và thảo luận, trong đó các diễn giả trình bày những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề như sự phát triển nông nghiệp và sự thay đổi về nhân khẩu học ở Tamil Nadu (Nam Ấn) từ cuối thế kỷ 18; Sinh thái học, nhân khẩu học và sự thay đổi của nông thôn ở Bengal (Đông Ấn); Vấn đề lương thực, nước và năng lượng trong phát triển nông nghiệp Ấn Độ; Tính bền vững trong sản xuất lương thực ở Ấn Độ; Vấn đề quản lý nước ở Ấn Độ và Nam Á.
Sau hội thảo quốc tế, đoàn đã tham gia hội nghị về “Hợp tác học thuật để phát triển nghiên cứu về Nam Á ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Tại hội nghị, một số vấn đề được đưa ra thảo luận, bao gồm: (1) những lĩnh vực hợp tác (chẳng hạn việc thiết lập một cơ sở dữ liệu/ website để chia sẻ nguồn tư liệu về nghiên cứu Nam Á; tổ chức các hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, quản lý trong nghiên cứu giữa các tổ chức và cơ quan nghiên cứu về Nam Á; phối hợp tổ chức hội thảo/seminar luân phiên tại các nước thành viên về các chủ đề khác nhau; xuất bản tạp chí/định kỳ và khả năng huy động tài chính cho các hoạt động này. (2) những nước nào sẽ được mời tham gia và tổ chức này (chỉ tập trung vào một số nước Đông Á và Đông Nam Á hay sẽ mở rộng sang các nước ở Thái Bình Dương như Úc, New Zealand, Mỹ, Canada). (3) hình thức hợp tác (thiết lập một Hiệp hội chính thức – Consortium, trên cơ sở ký kết hiệp định/MOU giữa các đơn vị và tổ chức thành viên, hoặc một mạng lưới hợp tác lỏng lẻo hơn giữa các đơn vị và tổ chức thành viên mà không cần có hiệp định chính thức).
Tại hội nghị, PGS. TS. Ngô Xuân Bình đã ủng hộ đề xuất hình thành một Hiệp hội chính thức về Nghiên cứu Nam Á ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tổ chức hội thảo luân phiên ở các nước thành viên, trước hết ở Thái Lan, sau đó là Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, đồng thời mở rộng thành viên đến các nước khác như Trung Quốc, Malaysia.
Ngoài ra, Đoàn cũng đã đến thăm một số di tích lịch sử - văn hoá của Nhật Bản tại Kyoto như Đền Shinto Fushimi Inaritaisha, Chùa Vàng Kinkakujil, Chùa Bạc Ginkakuji, phố triết học Testugaku Michi… Chuyến thăm đã để lại những ấn tượng đẹp về một đất nước Nhật Bản truyền thống, với chiều sâu văn hóa tâm linh và một đất nước Nhật Bản hiện đại, văn minh và chuyên nghiệp.
Nhìn chung, chuyến công tác của Đoàn Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã hoàn thành tốt những mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, mở ra những cơ hội kết nối mới về đối ngoại cho Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và các cơ quan nghiên cứu về Ấn Độ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore, qua đó thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nhật Thu
Giới thiệu cuốn sách “Nữ giới Phật giáo với báo chí” (Chủ biên: TS. Ni sư Như Nguyệt, TS. Lê Thị Hằng Nga, TS. Trần Thanh Thủy)
Giới thiệu cuốn sách “Quan hệ giữa Ấn Độ với một số nước trong khu vực và hàm ý cho Việt Nam” (Chủ biên: Lê Thị Hằng Nga)
Giới thiệu cuốn sách “India – Vietnam Enhancing Partnership” (Co-editors: Jayachandra Reddy G & Nguyen Xuan Trung)
Giới thiệu cuốn sách “Nghiên cứu Ấn Độ tại Việt Nam năm 2018: Những vấn đề văn hóa, xã hội và phát triển (Chủ biên: Trần Hoàng Long)