• Trang Chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu chung
    • Lãnh đạo viện
    • Hội đồng khoa học
    • Các phòng ban trực thuộc
    • Nhân sự
    • Quá trình phát triển
  • Hợp tác quốc tế
    • Hợp tác Quốc tế
    • Chương trình dự án HTQT
    • Các đối tác quốc tế
  • Hoạt động Khoa học
    • Đề tài KH cấp Nhà nước
    • Đề tài KH cấp Bộ
    • Đề tài KH cấp cơ sở
    • Điểm nhấn
    • Nghiên cứu
    • Hội thảo - Tọa đàm
  • Xuất bản phẩm
    • Tạp chí
    • Giới thiệu sách
    • Thể lệ gửi bài & đặt mua tạp chí
    • Ấn Phẩm công bố quốc tế
  • Tin tức
    • Tin hoạt động
    • Tin Quốc tế
    • Thông báo
  • Liên hệ
Hội Thảo - Tọa đàm

Hội thảo: Các tạp chí Khoa học Xã hội và công tác xuất bản trong Cách mạng 4.0 và Hội nhập Quốc tế

14/06/2019

Vào lúc 8h sáng ngày 14/06/2019, tại Khách sạn Majestic, Tp. Móng Cái, Quảng Ninh, đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo “Các tạp chí khoa học xã hội và công tác xuất bản trong Cách mạng 4.0 và Hội nhập quốc tế”, do Liên Chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch VASS, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo VASS, PGS.TS Bùi Nhật Quang và GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ngoài ra, Hội thảo có sự tham dự của đại diện các phòng ban chức năng, các Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, cán bộ nhân viên các Tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

GS.TS Phạm Văn Đức phát biểu tại Hội thảo

Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Tổng Biên tập; TS. Lê Thị Hằng Nga, Phó Tổng Biên tập; ThS. Ngô Minh Trung, Biên tập viên.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, GS.TS Phạm Văn Đức khẳng định những kết quả đã đạt được của các tạp chí trực thuộc Viện Hàn lâm, nhiều tạp chí của Viện Hàn lâm được Hội đồng chức danh Nhà nước đánh giá cao. Mặc dù đầu tư cho các tạp chí của Viện Hàn lâm còn thấp hơn đầu tư cho tạp chí tại các trường đại học nhưng những kết quả đạt được của khối tạp chí chứng tỏ đây là sự đầu tư có hiệu quả. GS.TS Phạm Văn Đức đề nghị các tạp chí nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công bố quốc tế, không chỉ công bố bằng tiếng Anh mà cả các thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp… PGS.TS Bùi Nhật Quang cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng các tạp chí đạt chuẩn khu vực để dần nâng tầm lên các tạp chí thuộc danh mục SCOPUS, ISI. Đồng thời, Phó Chủ tịch Bùi Nhật Quang cho rằng, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế, các tạp chí cần phải có thêm ấn bản điện tử, vừa hiện đại, đến được với công chúng nhanh hơn, nhiều hơn, tiết kiệm chi phí hơn, thân thiện với môi trường và góp phần vào quá trình phát triển bền vững.

PGS.TS Bùi Nhật Quang phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã báo cáo tổng kết công tác của Liên chi hội qua chặng đường 5 năm đổi mới, nâng cấp khối tạp chí theo chuẩn quốc tế. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn điểm lại các Hội thảo tạp chí được tổ chức những năm trước tại Hải Phòng, Hà Giang, Vĩnh Phúc về những chủ đề khác nhau và khẳng định, chủ đề của Hội thảo lần này thể hiện sự chuyển hướng trọng tâm của nội dung, nhấn mạnh công tác xuất bản của các tạp chí khoa học xã hội trong bối cảnh Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế. Báo cáo của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đề cập đến 3 thách thức và 5 nhóm giải pháp đối với các tạp chí khoa học xã hội trong bối cảnh Cách mạng 4.0. Những thách thức bao gồm: (1) Lượng thông tin khổng lồ được minh bạch hóa, trở thành nguồn tri thức phổ cập thì việc xuất bản các tạp chí còn phát huy tác dụng đến đâu? (2) Thế hệ các nhà nghiên cứu mới, các cộng tác viên cần nâng cao trình độ và xử lý thông tin như thế nào để có được các sản phẩm khoa học chất lượng? Phương thức kết nối giữa sản phẩm khoa học và giới học thuật và phục vụ độc giả như thế nào?

Báo cáo của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đề xuất 5 nhóm giải pháp liên quan đến vấn đề nhận thức, về sự chủ động chuẩn bị hành trang tri thức chuyên môn của các tạp chí; về cách thức bồi dưỡng các biên tập viên, nhà nghiên cứu, nâng cao kỹ năng, năng lực làm chủ công nghệ thông tin để làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các sản phẩm khoa học; các tạp chí cần có định hướng quan điểm phù hợp với nhận thức của thời đại “mặt phẳng thông tin”; tăng cường đặc tính hàm lâm của khối tạp chí và xuất bản; cần sớm xác định lộ trình, xây dựng chương trình, kế hoạch “tầm đón đợi” cho mục tiêu tương tác Cách mạng 4.0 và Hội nhập quốc tế.

Tham luận của PGS.TS Vũ Mạnh Lợi bàn về xuất bản các tạp chí khoa học xã hội trong bối cảnh Cách mạng 4.0, nêu lên thực trạng của xuất bản số trên thế giới hiện nay và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xuất bản điện tử và xuất bản số, những ưu điểm và lợi ích của việc xuất bản số. PGS.TS Vũ Mạnh Lợi đưa ra một số khuyến nghị cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đó là các tạp chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và lộ trình chuyển đổi sang tạp chí số; cân nhắc đầu tư thí điểm cho một số tạp chí để chuyển đổi sang tạp chí số hoặc kết hợp cả tạp chí in và tạp chí số; các tạp chí cần thay đổi tư duy và cách làm việc; học tập những kỹ năng mới đòi hỏi nâng cao năng lực con người; cần ưu tiên cho giá trị địa phương của bài tạp chí; tất cả các sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm nên được công bố trên một trang web…

TS. Ngô Văn Vũ, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội nêu lên ba vấn đề, bao gồm tác động của Cách mạng 4.0, tình hình xuất bản của tạp chí Khoa học xã hội 6 tháng đầu năm 2019 và một số kiến nghị, đề xuất. Về tác động của Cách mạng 4.0, TS. Ngô Văn Vũ cho rằng, Cách mạng 4.0 đã tác động đến (1) công tác quản lý và thực thi các hoạt động xuất bản tạp chí ở cả chiều rộng và chiều sâu; (2) tạo ra các thay đổi về mô hình xuất bản tạp chí Khoa học xã hội, kết hợp sự tồn tại của xuất bản tạp chí truyền thống (in ấn) và xuất bản hiện đại (xuất bản phẩm điệt tử); (3), quản lý, khai thác các dữ liệu, sự kết nối mang tính tương tác nghiệp vụ xuất bản giữa các tạp chí Khoa học xã hội trong nước và quốc tế; (4) tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực tạp chí Khoa học xã hội: nâng cao tri thức nền, kiến thức chuyên ngành, nghiệp vụ báo chí truyền thông, năng lực ngoại ngữ và tin học. TS. Ngô Văn Vũ đưa ra một số đề xuất, kiến nghị: (1) Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục Đào tạo cần có cơ chế đủ mạnh để làm điều kiện bắt buộc khi cấp kinh phí thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước. (2) Bộ Khoa học Công nghệ cần sớm thiết lập Hệ thống chỉ số DOI (mã định danh tài liệu học thuật của các nhà KH trên mạng internet) để quản lý, khai thác nguồn tài nguyên số. (3) Định kỳ hàng năm, Hội đồng chức danh nhà nước hoặc Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức xét xếp hạng các tạp chí khoa học để khuyến khích các tạp chí nỗ lực vươn tới các tiêu chuẩn quốc tế theo lộ trình. (4), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hỗ trợ về pháp lý để thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép thành lập tạp chí điện tử cho các tạp chí KHXH. (5), Viện Hàn lâm cần có chiến lược cụ thể để tuyển chọn, thu hút nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo, học tập bài bản dài hạn ở các nước sử dụng tiếng Anh, cử cán bộ trẻ của tạp chí tham gia học các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung phát biểu tại Hội thảo

Tham luận của PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục nâng cao chất lượng các tạp chí của Viện Hàn lâm theo chuẩn quốc tế, nêu lên những giải pháp khả thi có thể thực hiện ngay để cải thiện chất lượng các tạp chí theo chuẩn quốc tế. PGS.TS Nguyễn Xuân Trung cho rằng, một tạp chí theo chuẩn quốc tế cần đảm bảo ba điều kiện: (1) Nguồn bài dồi dào có chất lượng; (2) Quy trình vận hành của tạp chí phải chuẩn mực và (3) Phải có nhiều người trong lĩnh vực chuyên môn đó tiếp cận được. PGS.TS Nguyễn Xuân Trung đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí của Viện Hàn lâm như: giảm kỳ phát hành; làm tốt hơn công tác quảng bá cho tạp chí; hình thức của tạp chí cần theo chuẩn quốc tế; cần đẩy mạnh công tác phản biện; xúc  tiến lộ trình liên kết với nhà xuất bản nước ngoài để xuất bản tạp chí; cần có phiên bản tiếng Anh để trao đổi, giao lưu, hội nhập quốc tế; cần có phiên bản điện tử của tạp chí; xúc tiến việc đăng ký mã số định danh tài liệu (DOI) cho các bài báo xuất bản bằng tiếng Anh; nên có trang web riêng cho tạp chí để làm tốt hơn công tác quảng bá cho tạp chí…

TS. Nguyễn Thị Luyện, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ (Tp. HCM) điểm qua một số tiêu chuẩn đánh giá tạp chí quốc tế, tình hình tạp chí khoa học Việt Nam và công bố quốc tế. Tham luận của TS. Lê Xuân Sang chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, nâng cấp tạp chí Vietnam’s Socio-Economic Development (VSED) trong bối cảnh cách mạng CN 4.0, một số tác động có thể của Cách mạng 4.0 đối với các công đoạn hoạt động của tạp chí khoa học, một số khó khăn, thách thức của VSED.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Giới đề cập đến việc xây dựng tạp chí khoa học điện tử trong bối cảnh Cách mạng 4.0 và Hội nhập quốc tế và nhấn mạnh, việc xuất bản tạp chí điện tử là cần thiết để có thể cung cấp các kết quả nghiên cứu một cách kịp thời phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo và xây dựng chính sách về hôn nhân, gia đình và giới ở Việt Nam tới mọi đối tượng bạn đọc.

Các tham luận tại Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều đại biểu tham dự. Nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi đã diễn ra sôi nổi. TS. Nguyễn Phước Minh và PGS.TS Nguyễn Hữu Minh nhấn mạnh sự cần thiết quan tâm đến các vấn đề về kỹ thuật, tài chính để có thể xuất bản tạp chí số tại Viện Hàn lâm. TS. Ngô Minh Đức nói đến việc xây dựng thị trường khoa học điện tử để công bố các tạp chí, các sản phẩm khoa học của Viện Hàn lâm và một số khó khăn trong thực tế khi triển khai. TS. Phạm Thái Quốc, PGS.TS Trần Hồng Hạnh, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Bảo tàng Dân tộc học, PGS.TS Hoàng Thế Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, PGS.TS Phạm Thủy Lan, Trưởng Ban Kế hoạch – Tài chính cũng đã tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Kết luận tại Hội thảo, GS.TS Phạm Văn Đức nhấn mạnh, công tác tạp chí là công tác quan trọng của Viện Hàn lâm. Các tạp chí cần chú trọng nâng cao chất lượng, coi đó là cái gốc của vấn đề; coi trọng công tác quảng bá tạp chí; khuyến khích các tạp chí xuất bản số tiếng Anh; thúc đẩy hoạt động của trang Web làm sao cho các bài đăng tải đến được với nhiều người đọc; lãnh đạo các tạp chí cần thể hiện vai trò tích cực năng động, là những huấn luyện viên giỏi của tạp chí; các tạp chí nên xuất bản các số tạp chí chuyên đề phục vụ cho nhiệm vụ chính trị cấp bách của đất nước, đồng thời tăng cường hợp tác với các tạp chí quốc tế. GS.TS Phạm Văn Đức đã dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho các nhà khoa học, những người làm công tác tạp chí nhân dịp ngày báo chí cách mạng Việt Nam có sức khỏe, nhiệt huyết và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp khoa học và báo chí. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp vào lúc 16:30 ngày 14/6/2019.

 

PV. Nhật Thu



Other news:
  • Tọa đàm Khoa học “Bầu cử Ấn Độ 2019: Một số phân tích và đánh giá” (16/05/2019)
  • Toạ đàm Khoa học ngày 16/04/2019 (16/04/2019)
  • Chuyến công tác Đoàn cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại Ấn Độ (08/04/2019)
  • Toạ đàm khoa học “Kỷ niệm 90 năm Gurudev Rabindranath Tagore tới Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh)” (29/03/2019)
  • Toạ đàm khoa học “Một số vấn đề về phát triển năng lượng tái tạo Ấn Độ” (21/03/2019)
  • Toạ đàm khoa học “Quan hệ Việt Nam- Ấn Độ trong quan hệ lịch sử Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương” (14/03/2019)
  • Toạ đàm khoa học “Chính sách đối ngoại hòa bình thông qua sức mạnh của chính quyền Donald Trump: những tác động đến Ấn Độ và Việt Nam” (05/03/2019)
  • Toạ đàm khoa học “Tìm hiểu Văn hóa Kinh doanh Ấn Độ và Việt Nam thông qua thước đo văn hóa G. Hofstede” (20/02/2019)
  • Toạ đàm khoa học "Phương pháp nghiên cứu khoa học" (19/01/2019)
  • Tọa đàm khoa học báo cáo kết quả đề tài cấp Bộ 2018 “Chính sách đối ngoại của Iran từ năm 2005 đến nay” (03/12/2018)
Các tin đã đưa ngày:
Hội thảo quốc tế lần thứ 3 về: "Kết nối văn hóa - văn minh giữa Ấn Độ và ASEAN" (15/07/2021) THƯ MỜI VIẾT BÀI HỘI THẢO: “Đánh giá hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại tỉnh Hà Giang” (08/04/2021) Call For Paper, Vietnam Journal for Indian and Asian Studies (VJIAS), 2021 issue (17/12/2020) Thư mời viết bài HTQT: Mạng lưới nghiên cứu Nam Á (ACSAS) lần IV (07/12/2020) (2020) Call for Paper, International Conference: India - China strategic competition and its impacts on other countries (01/09/2020)

BẢN QUYỀN VIỆN NGHIÊN CỨU ẤN ĐỘ VÀ TÂY NAM Á - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Giấy phép số 197/GP-BC do Bộ VHTT cấp ngày 27/10/2005

Địa chỉ: Tầng 7, Tòa nhà VASS, Số 1 - Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 24.62730749 Email: vniisas@gmail.com | tcnc.andovachaua@gmail.com.

 

Visited: