• Trang Chủ
  • Giới thiệu
    • Giới thiệu chung
    • Lãnh đạo viện
    • Hội đồng khoa học
    • Các phòng ban trực thuộc
    • Nhân sự
    • Quá trình phát triển
  • Hợp tác quốc tế
    • Hợp tác Quốc tế
    • Chương trình dự án HTQT
    • Các đối tác quốc tế
  • Hoạt động Khoa học
    • Đề tài KH cấp Nhà nước
    • Đề tài KH cấp Bộ
    • Đề tài KH cấp cơ sở
    • Điểm nhấn
    • Nghiên cứu
    • Hội thảo - Tọa đàm
  • Xuất bản phẩm
    • Tạp chí
    • Giới thiệu sách
    • Thể lệ gửi bài & đặt mua tạp chí
    • Ấn Phẩm công bố quốc tế
  • Tin tức
    • Tin hoạt động
    • Tin Quốc tế
    • Thông báo
  • Liên hệ
Hoạt động Khoa học
  • Đề tài KH cấp Nhà nước
  • Đề tài KH cấp Bộ
  • Đề tài KH cấp cơ sở
  • Điểm nhấn
  • Nghiên cứu
  • Hội thảo - Tọa đàm
 
Định hướng nghiên cứu

Chiến lược “Ấn Độ tự lực” (AtmaNirbhar Bharat) của Thủ tướng N. Modi

09/12/2020

Tác giả: NCS Nguyễn Thị Oanh, Phòng NC Chính trị và An ninh, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á (VIISAS)

Chiến lược “Ấn Độ tự lực” (AtmaNirbhar Bharat) của Thủ tướng N. Modi

Ngày 12/5/2020, chiến lược Ấn Độ tự lực (AtmaNirbhar Bharat) ra đời được thể hiện qua bài phát biểu của Thủ tướng N. Modi. Mục đích của chiến lược này là làm cho Ấn Độ nâng cao khả năng tự chủ trước sự cạnh tranh gay gắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giúp trao quyền cho người nghèo, người lao động, người di cư chịu tác động bởi Covid- 19[1]. Sau thông báo này, Bộ trưởng Tài chính, bà Nirmala Sitharaman đã thông qua 5 cuộc họp báo và công bố các biện pháp chi tiết thông qua gói kinh tế nhằm triển khai các biện pháp kinh tế, an sinh xã hội và năng lượng để hồi sinh quốc gia do tác động bởi đại dịch Covid- 19.

Theo đó, chiến lược “Ấn Độ tự lực” (AtmaNirbhar Bharat) không phải là sự khép kín hay cô lập với thế giới mà là sự hợp nhất sản xuất và tiêu dùng trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm theo đuổi các chính sách thúc đẩy hiệu quả, công bằng và khả năng phục hồi[2]. Việc theo đuổi Ấn Độ tự lực không chỉ là một phản ứng trước những thực tế toàn cầu mới dưới tác động của đại dịch Covid -19 mà còn là một nỗ lực đổi mới về một Ấn Độ tự lực, tự cường. Đó là sự quay ngược lại các chính sách kinh tế dân tộc chủ nghĩa mà Ấn Độ đã triển khai[3].

Ấn Độ tự lực không phải là khái niệm mới ở Ấn Độ. Thuật ngữ và chiến lược này đã xuất hiện và được triển khai dưới thời Thủ tướng J. Nehru. Khi đó, Thủ tướng J. Nehru đã nhấn mạnh quan điểm về sự tự lực của Ấn Độ về khoa học, công nghệ (KH&CN) và công nghiệp trong một thế giới toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Ấn Độ tự lực dưới thời Thủ tướng Modi có nhiều điểm mới và khác biệt, trong đó ông nhấn mạnh quyết tâm xây dựng một Ấn Độ tự lực bắt nguồn từ toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm và xây dựng trên 5 trụ cột về kinh tế, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nhân khẩu học và nhu cầu[4]. Thông qua chiến lược này, Thủ tướng Modi đã công bố một gói kinh tế 20 vạn crore Rs (tương đương 10% GDP của Ấn Độ)[5].

Mục tiêu của chiến lược Ấn Độ tự lực là gắn Ấn Độ với chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách điều chỉnh lại các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế theo một mô hình tăng trưởng phi tập trung (decentralised model of growth). Ấn Độ tự lực còn mang nghĩa là sản xuất phục vụ thế giới (Make for the World). Theo đó, Ấn Độ tự lực không phải là để đóng cửa với thế giới, thay vào đó là sự thay đổi căn bản các điều kiện thương mại để biến Ấn Độ trở thành một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu[6]. Nếu chương trình Sản xuất tại Ấn Độ (Make in India) nhằm tăng cường vai trò của sản xuất, tạo việc làm và tăng cường phát triển kinh tế; thì trọng tâm của Ấn Độ tự lực là thúc đẩy sự hồi sinh của nền kinh tế Ấn Độ. Thủ tướng Modi đã từng phát biểu “Ấn Độ tự  lực” nghĩa là tự duy trì và kiên cường, không phải bằng cách cô lập Ấn Độ, mà bằng cách xây dựng năng lực của đất nước để Ấn Độ có thể hội nhập tốt hơn với chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi tin rằng với quy mô, năng lực và tham vọng của mình, Ấn Độ phải trở thành một nhân tố chính trong quá trình hồi sinh toàn cầu sau đại dịch.  Và các bước mà Ấn Độ đang thực hiện không phải là để gia tăng; chúng có tính chất biến đổi”[7]. Theo đó, bốn giai đoạn của chiến lược Ấn Độ tự lực là:

Giai đoạn I: Các doanh nghiệp bao gồm MSME;

Giai đoạn II: Người nghèo, bao gồm cả người di cư và nông dân;

Giai đoạn III: Nông nghiệp;

Giai đoạn IV: Giai đoạn mới của tăng trưởng[8].

Trên cơ sở gắn chặt tinh thần “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) và “Ấn Độ tự lực ” (Atmanirbhar Bharat Abhiyaan/Self-reliant India) nhằm hướng đến “Sản xuất phục vụ thế giới” (Make for World), mục tiêu trực tiếp nhất của chiến lược này là “biến đại dịch thành cơ hội phát triển thị trường nội địa để sản xuất thiết bị y tế[9]. Tinh thần “Sản xuất tại Ấn Độ” được gắn trong chiến lược “Ấn Độ tự cường” đã mang lại khả năng phục hồi và khả năng tự cung cấp cho đất nước đối với các thiết bị y tế và sản phẩm thiết yếu.

Chiến lược Ấn Độ tự lực đã được người dân Ấn Độ đón nhận nhằm thúc đẩy sự hồi sinh của nền kinh tế Ấn Độ. Khi đề cập đến phản ứng toàn cầu đối với Covid-19, Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh khái niệm 'toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm' nhằm tìm kiếm sự phục hồi kinh tế dựa trên sự quan tâm và lòng trắc ẩn. Ông cũng đã hình dung ra một 'Ấn Độ tự lực: tự duy trì và kiên cường, không phải bằng cách cô lập Ấn Độ, mà bằng cách xây dựng năng lực ở quê nhà để Ấn Độ có thể hội nhập tốt hơn với chuỗi giá trị toàn cầu và trở thành một nhân tố chính trong quá trình hồi sinh toàn cầu sau đại dịch”

Phát biểu tại Hội nghị bàn tròn trực tuyến các nhà đầu tư toàn cầu ngày 5/11/2020, Thủ tướng Modi một lần nữa nhấn mạnh rằng, Ấn Độ tự lực không chỉ là một tầm nhìn mà còn là một chiến lược kinh tế được hoạch định tốt. Đây là một chiến lược nhằm sử dụng năng lực của các doanh nghiệp Ấn Độ và kỹ năng của công nhân để đưa Ấn Độ trở thành cường quốc sản xuất toàn cầu[10].

Khi so sánh giữa sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) và chiến lược Ấn Độ tự lực có thể thấy sự kết nối giữa hai chiến lược này. Trước hết, hai sáng kiến này được hình thành ở hai thời điểm khác nhau. Nếu sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Modi lên nắm chính quyền (năm 2014) thì gói Ấn Độ tự cường trị giá 20 lakh crore Rs được công bố để phục hồi nền kinh tế Ấn Độ đang bị tác động tiêu cực do đại dịch Covid -19. Thứ hai, trong khi sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ ra đời nhằm thúc đẩy năng suất và khả năng tạo việc làm của khu vực sản xuất bằng cách tạo một môi trường thân thiện và thuận lợi cho các doanh nghiệp, kích thích đầu tư tư nhân và thu hút vốn nước ngoài thì chiến luộc Ấn Độ tự lực nhấn mạnh đạt được mục tiêu kép: phục hồi nền kinh tế Ấn Độ đang suy giảm do tác động của đại dịch Covid 19 thông qua các biện pháp tài khóa và tăng khả năng tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Như vậy, nếu sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ là thúc đẩy và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ bằng cách biến quốc gia này thành một mội trường thân thiện với nhiều chỉ số thuận lợi trong kinh doanh thì Ấn Độ tự lực  là chiến lược nhằm tạo ra một hệ thống kinh tế quốc gia mạnh mẽ, thông qua nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của quốc gia. Theo cách hiểu này và theo phát biểu của Thủ tướng Modi, chiến lược Ấn Độ tự lực là một bước tiến của sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ[11].

Cùng với chiến lược Ấn Độ tự lực thì một số chính sách nổi bật đã được Chính phủ Modi triển khai như: Chính sách tài khóa và các gói kích cầu:  nhấn mạnh vào việc cung cấp an ninh lương thực và chuyển khoản ngân hàng trực tiếp cho các hộ gia đình nghèo và những người làm công ăn lương hàng ngày, những người cần được giúp đỡ ngay lập tức; Chính sách đối với các Doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhỏ - MSME); Chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ (GST); Chính sách nông nghiệp:  Tăng cường tín dụng ưu đãi cho nông dân, phát triển các dự án cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động trong ngành thủy hải sản, chế biến và nuôi trồng thủy sảnk; Chính sách An sinh xã hội: hướng tói các đối tượng là người lao động nhập cư, y tế cộng đồng và giải quyết việc làm,....

Tóm lại, mục đích của chiến lược Ấn Độ tự lực là thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng một Ấn Độ tự chủ. Ý nghĩa thật sự của Aatma Nirbhar Bharat là Ấn Độ tự lực cánh sinh, trong đó “Aatma Nirbhar” có nghĩa là quảng bá và ưu tiên hàng hóa và sản phầm nội địa và đảm bảo rằng các sản phầm này phù hợp với các đối tác nhập khẩu về giá thành và chất lượng. Ấn Độ tự lực không phải là một chiến lược đóng cửa với thế giới mà là thúc đẩy sự phát triển của Ấn Độ và lấy con người là yếu tố trung tâm của quá trình toàn cầu hóa, nó cũng có nghĩa là toàn cầu hóa các sản phẩm công nghiệp nội địa của Ấn Độ. Như vậy, mục đích chính của chiến lược này là biến Ấn Độ trở thành một quốc gia thịnh vượng với đối tượng ưu tiên là người nghèo, lao động nhập cư, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các ngành tiểu thủ công nghiệp, ngư dân, chủ trang trại,...



[1] CBGA (2020), Numbers on Edge: India’s Fiscal Response to Covid-19, Centre for Budget and Governance Accountability, May.

[2] Embassy of India (2020), Bài phát biểu của Thủ tướng trong lễ khai mạc India Global Week 2020, https://www.indembassyhanoi.gov.in/speeches_detail/?id=34&fbclid=IwAR3fwsGx5XEM8RBqpuR83iERIzFrgyIYrSObA_hmxFjZq3x0A6d5_vKt7C0,

[3] The Hindu (2020), Local motif: on Modi’s call for self  reliance, https://www.thehindu.com/opinion/editorial/local-motif-the-hindu-editorial-on-modis-call-for-self-reliance/article31577225.ece

[4] Phát biểu của Đại sứ Ân  Độ tại Việt Nam ngày 2/7/2020 tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Ấn Độ và các biện pháp chính sách đối phó với Covid 19.

[5] Goverment of India (2020), AatmaNirbhar Bharat Abhiyaan, https://aatmanirbharbharat.mygov.in/

[6]Arnab Mitra (2020), Atmanirbhar Bharat also means ‘Make for the World’, https://indiaincgroup.com/atmanirbhar-bharat-also-means-make-for-the-world/

[7] Embassy of India in Ha Noi (2020),  Ambassador's Speeches & Interviews, https://www.indembassyhanoi.gov.in/speeches_detail/?id=44

[8]  National portal of India (2020),  Building Atmanirbhar Bharat & Overcoming COVID-19,https://www.india.gov.in/spotlight/building-atmanirbhar-bharat-overcoming-covid-19

[9] Ministry of Health and Family Welfare, India (2020).  India marches ahead with “Atmanirbhar Bharat”. https://www.pib.gov.in/PressReleasePage.aspx?PRID=1645751, ngày truy cập 28/9/2020

[10] Đại sứ  quán  Ấn Độ tại Hà Nội, “Ấn Độ tự lực không chỉ là một tầm nhìn mà còn là một chiến lược kinh tế được hoạch định tốt: Thủ tướng” Bản tin kinh tế, tập 11, số 01.

[11]  Nilanjan Ghosh (2020), The dynamics of self-reliant India, Observer Research Foundation, https://www.orfonline.org/research/the-dynamics-of-self-reliant-india-69132/, ngày truy cập 26/11/2020.

 



Print Feedback Send Email
Other news:
  • Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ XXI đến nay (02/12/2020)
  • Chính sách phát triển doanh nghiệp nhà nước của Ấn Độ (02/12/2020)
  • Quản trị doanh nghiệp nhà nước tại Ấn Độ (02/12/2020)
  • Báo cáo kinh tế Ấn Độ tháng 11/2020 (26/11/2020)
Các tin đã đưa ngày:

BẢN QUYỀN VIỆN NGHIÊN CỨU ẤN ĐỘ VÀ TÂY NAM Á - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Giấy phép số 197/GP-BC do Bộ VHTT cấp ngày 27/10/2005

Địa chỉ: Tầng 7, Tòa nhà VASS, Số 1 - Liễu Giai - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 24.62730749 Email: vniisas@gmail.com | tcnc.andovachaua@gmail.com.

 

Visited: